Thẩm mỹ Hồng Kông

Góc hàn huyên về cái đẹp kỳ 8

Hơn mươi năm nay, sắc đẹp phụ nữ dường như trở thành câu chuyện đầu môi của nhiều người. Phụ nữ phải có chiều cao nào đó, phải nhuộm tóc, sửa mũi, nâng ngực, độn cằm… Dịch vụ spa, chỉnh hình săn sóc và sửa sắc đẹp gần như thành một công nghệ.

Bài này không nhắm tới khen chê hay bình luận mà bàn về sắc đẹp phụ nữ trên bình diện xã hội, nhân chủng và y khoa.

Từ Kim vân Kiều và ca dao…

Nếu chỉ nhắc đến Kiều thì nhiều người trong chúng ta còn thuộc nằm lòng các câu như:

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

hay:

Làn thu thuỷ nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

 Mười thương thì bắt đầu bằng:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

goc-han-huyen-ky-8-1

…tới tâm lý, nhân chủng và xã hội học

Từ tiền sử, ở nhiều xã hội, một phụ nữ đẹp là một phụ nữ “tròn trịa”. Điều ấy cũng dễ hiểu vì tròn có nghĩa là cô hay bà ấy không thiếu ăn, cô hay bà ấy có thể sinh con đẻ cái và cho con bú dễ dàng.

Ở châu Phi, một phụ nữ mạnh mẽ, hình thù vạm vở được xem là đẹp vì cái đẹp này liên hệ hổ tương tới khả năng làm việc khai hoang, cuốc đất trồng trọt : cô hay bà ấy sẽ “được giá cao” lúc lấy chồng.

Ở châu Âu, cho tới đầu thế kỷ thứ XX, da trắng là một tiêu chỉ đẹp nhưng vài mươi năm sau, da phải nâu vì như thế có nghĩa là người đẹp có khả năng đi nghỉ hè phơi da ra nắng. Những người không có tiền đi biển cũng cố gắng đi tắm “đèn” ở spa cho da sậm lên.

Ngày xưa, ở Việt nam cô nào cao “lêu khêu” sẽ là mối lo lắng của mẹ cô ấy “nó cao thế làm sao gả chồng được!”.

“Cái bé nhỏ thì xinh” (small is beautiful). Dân Âu Mỹ cũng quan niệm thế mà.

Hiện nay, tiêu chí về sắc đẹp, dựa theo báo chí, là phải chân dài. Người đẹp được mệnh danh là «chân dài» trong ngôn ngữ thường ngày ở Việt Nam – cứ thể như cô hay bà ấy chỉ được «tóm gọn» trong chiều dài của hai chân – và tất cả những phần còn lại là phụ thuộc, không đáng kể.

Trong lịch sử, trước khi mua dân nô lệ người ta vạch miệng họ, xem răng (răng tốt là một biểu tượng của sức khoẻ). Bây giờ, để đánh giá người đẹp, xã hội «đo» đôi chân của cô. Rõ ràng là ta đang vật thể hóa phụ nữ.

Thêm vào đó, các cô người đẹp phải “gợi cảm, nóng bỏng, khó cưỡng, sexy…”. Chẳng những vật thể hóa thôi mà còn vật thể hóa như một món đồ chơi giới tính cho các đấng mày râu.

Trước hiện trạng này, nhiều nhà đạo đức học đang lo về sự suy đồi văn hóa.

Xã hội định nghĩa các tiêu chí của vẻ đẹp, khoa tâm lý học, từ hai mươi năm gần đây, đã nghiên cứu xem sở thích của dân tình về sắc đẹp phụ nữ.

Nghiên cứu cách nào? Họ đề nghị, cho những đối tượng nghiên cứu khác nhau, hai khuôn mặt, hai chân dung phụ nữ và bảo đối tượng nghiên cứu chọn khuôn mặt nào hấp dẫn nhất. Sau đó dùng công nghệ tin học, chỉnh các hình ảnh để biết chi tiết nào trên gương mặt phụ nữ làm người ta thích hay chê (mặt tròn, mặt dài hơn, trẻ hay lớn tuổi hơn tí…).

Nghiên cứu lặp lại nhiều lần các “thí nghiệm” trên, với những phương thức giống nhau cho hàng ngàn đối tượng để có tính đại diện cho dân trong xã hội. Kết quả là:

– Thiên hạ thường thích những gương mặt trẻ, tất cả những dấu hiệu của tuổi già đều bị loại bỏ: các vết nhăn, da hết căng, màu sẫm, vết nâu, tóc bạc hay sói đầu… đều không được cho là hấp dẫn.

– Một điều chắc chắn khác: các gương mặt hình trái xoan, cân đối được chọn trước nhất.

– Một gương mặt đẹp không tròn cũng không vuông nhưng hai bên tương xứng.

– Đôi mắt và miệng được nhìn kỹ sau đó. Không ai chọn và cho là đẹp một khuôn mặt với hai hàm răng mọc tứ tung, mắt lé hay với một nốt ruồi to tướng nằm giữa mặt.

– Ngoài những điều ấy, màu tóc không quan trọng, chiều cao của chiếc mũi cũng ít được để ý.

(Theo thành ngữ bên ta, các cô có “miệng rộng, răng hô, trán dồ, mũi tẹt” thì sẽ có nhiều khả năng… ế chồng. Đó chắc là cách dân gian bàn về tiêu chí sắc đẹp mà tâm lý học mang vào thực nghiệm và nghiên cứu bây giờ).

Sau khuôn mặt, một phụ nữ đẹp, từ muôn thuở, từ các vénus, thần vệ nữ thời tiền sử, phải có ngực to và mông rộng – hai chi tiết này rất cần, lúc đó, vì với mông rộng phụ nữ ấy sẽ có nhiều khả năng sinh con mà không bị khó khăn. Xương chậu hẹp lúc chưa có kỹ thuật đẻ mỗ thì hiểm nguy cả cho sản phụ và thai nhi. Ngực to là biểu tượng của vai trò cho con bú của người phụ nữ.

Thế nhưng, từ khi hạn chế được sinh sản, hai biểu tượng này vẫn tồn tại và trở thành biểu ượng của giới tính.

Đồng thời, thừa cân hiện là phản nghĩa của cái đẹp. Ở phương Tây, không ai thích béo phì.

Sắc đẹp là một quyền lực?

Các nhà xã hội học đã chứng minh điều đó. Trên một đơn xin việc ứng viên có một gương mặt hay ngoại hình xấu xí dễ bị loại trước khi chủ nhân đọc lí lịch học vấn. Ở trường học, các cháu béo phì có ít bạn hơn các cháu khác. Âu hay Á, Tây Thi và Cléopâtre đã dùng sức mạnh của sắc đẹp mình mà viết nên lịch sử.

Bất bình đẳng vì sắc đẹp? Người đẹp được ưu đãi từ trong gia đình. Một cháu bé xấu như lọ lem có nhiều rủi ro bị ngay chính cha mẹ thờ ơ hay ngược đãi hơn một đứa con khác khôi ngô tuấn tú. Tới lúc mới bắt đầu đi học, ở nhà trẻ, các bé xấu xí hay có dị tật thường bị các bạn chế riểu. Nữ sinh có sắc đẹp thường có nhiều bạn hơn, cả trai lẫn gái. Lớn lên, thường được nhiều bạn trai “đeo đuổi” hơn. Rời trường học, ra đi làm, nam thanh nữ tú dễ tìm được việc làm hơn, thường thăng tiến trong nghề nghiệp dễ hơn và rốt cục, lương cao hơn… Đó là tóm lược trong vài dòng những lợi thế của sắc đẹp mà kết quả các nghiên cứu cho thấy.

Thí dụ 1: trên một chồng thư xin việc, không có kèm hình của các ứng viên, chủ nhân sẽ chọn vào phỏng vấn những người này theo khả năng, bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc.

Cũng những ứng viên đó, nhưng trên đơn xin việc có đính kèm hình của ứng viên. Lần này, những ứng viên “đẹp” sẽ có nhiều hi vọng được mời đến phỏng vấn. Các tiêu chí khác – học hành, khả năng kinh nghiệm – họ sẽ được hỏi tới trong lúc phỏng vấn.

Thí dụ 2: Đưa cho một giám khảo chấm thi một số bài không có tên hay ảnh của thí sinh. Giám khảo chấm điểm có thể tùy theo thứ tự các bài. Nhưng nếu thêm vào tên và ảnh của thí sinh thì kết quả rất rõ ràng : điểm tùy thuộc vào diện mạo của thí sinh. Nghiên cứu còn đi xa hơn: đưa cho giám khảo hai bài «giống» nhau với hai hình thí sinh khác nhau. Cùng sai hay cùng dở, nhưng thí sinh có diện mạo ưa nhìn được điểm cao hơn.

Thí dụ 3: Ở thi vấn đáp, các thí sinh nữ nhất là các cô có chút nhan sắc thường đạt được nhiều điểm hơn.

Các nghiên cứu này đã được lặp lại nhiều lần ở các kỳ thi Tú Tài ở Pháp vào những năm 1990.

Sắc đẹp, như thế, là một công cụ hữu hiệu để mang đến những kết quả hay quyền lợi cho người đẹp. Nếu ta định nghĩa quyền lực là khả năng làm cho người khác “tuân lệnh”, thực hiện những gì ta cần, hoặc mang đến cho ta nhiều lợi ích vật chất hay tinh thần. Sắc đẹp, trong và theo định nghĩa đó, quả là một quyền lực.

Sắc đẹp là một giá trị đạo đức?

Sắc đẹp không được “ban bố” một cách công bằng cho tất cả mọi người. Chưa hết, sắc đẹp còn được xem như một giá trị đạo đức.

Trong “chân thiện mỹ” (ba giá trị được xem như tuyệt đối : sự thật, sự hiền lành – khác với điều “ác”, và cái đẹp – ở đây cái đẹp trong nghĩa rộng chứ không riêng gì sắc đẹp phụ nữ).

Một bản nhạc du dương, âm điệu hài hoà, một bài thơ trữ tình súc tích với những chữ khéo chọn, đọc xuôi tai, một bức tranh đầy sáng tạo, … là những giá trị. Quí và hiếm, những cái đẹp ấy.

Nhiều khi người ta còn dùng nhóm chữ “một con người đẹp” để chỉ một người giàu nhân ái, đầy tính tốt. Trong các truyện cổ tích các bà tiên hiền lành bao giờ cũng đẹp, áo quần sang trọng còn các phù thũy ác hiểm thì vừa già vừa xấu và thường vận quần áo màu đen.

Sắc đẹp thường được kết hợp với tuổi trẻ, sức khoẻ, lòng bác ái, sự thông minh.

Thành ngữ tiếng Pháp nói “đẹp như thiên thần” – mà thiên thần được xem như đồng nghĩa với tuổi trẻ, ngây thơ, trong sạch, làm điều thiện…

Có những người mà sắc diện làm cho người đối diện tín cẩn ngay vì “đẹp” được hiểu như “hiền” trong khi “xấu” là biểu tượng của điều “ác”, làm cho người xấu gặp nhiều khó khăn hơn trong giao tiếp hàng ngày – ở trường học, lúc đi làm, khi đến tuổi lập gia đình…

Sắc đẹp và quyến rũ giới tính?

Trên “thị trường” tình yêu, sắc đẹp là một yếu tố quan trọng. Đấng nam nhi nào tuyên bố rằng ông ấy không bao giờ ngẩng đầu nhìn theo một bóng hồng đẹp là một đấng nam nhi giỏi nói dối. Sắc đẹp là yếu tố đầu tiên nhóm lên “cú sét tình ái”.

Dĩ nhiên, các tiêu chí về sắc đẹp khác nhau, tùy người. Thế nên, đại đa số các cô đều tìm được một… đấng ông chồng và ngược lại (nói về phía các ông).

Ông bà ta cũng bảo là “nồi nào úp vung nấy”, luật xã hội học thì nói “thiên hạ kết hôn với người giống mình”. Áp dụng vào vấn đề sắc đẹp, ta có thể kết luận rằng thông thường, người đẹp có nhiều lựa chọn hơn trong hôn nhân. Những người khác thì phải “an phận” với những lựa chọn còn lại…

Ở nhiều nước, nhất là ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, sự áp đảo xã hội về sắc đẹp rất lớn và nhiều phụ nữ xem giải phẩu thẫm mỹ như một sự việc thường tình.

Thế nhưng, nếu đi hỏi ý kiến của các giáo sư bác sĩ chuyên ngành giải phẩu thẫm mỹ tại bệnh viện Đại học Liège thì mười người như một đều sẽ nói rằng phải hạn chế các giải phẫu thẫm mỹ vì rất nhiều lý do:

– Bất cứ một giải phẩu nào cũng đụng chạm hay làm tổn thương đến sự vẹn tròn cơ thể của người bị giải phẩu thành ra phải cân nhắc đong đo những lợi và hại.

– Chẳng những thế, cuộc giải phẩu nào cũng là thêm một nguy cơ nhiều khi không lường trước được vì phải gây mê, vì có những rủi ro bất thường không cầm máu được hay để lại những vết thẹo khó lành,

– Giải phẩu thẫm mỹ không cho những kết quả vĩnh viễn, căng da chỉ có giá trị nhiều nhất là hai năm, tiêm botox có khi chỉ ba hoặc sáu tháng, túi ngực tối đa là mười năm…

– Con người, chúng ta ai cũng có một hệ thống miễn dịch và tự phòng chống vật lạ vào cơ thể. Độn mũi nâng cằm không sớm thì chầy cũng sẽ bị cơ thể “đào thải”,

– Có một số trường hợp giải phẩu thẩm mỹ tối cần thiết vì nếu không thì không sống (tâm linh, xã hội ) được – thí dụ giải tái cấu tạo chỉnh hình sau một cuộc mổ vì ung thư chẳng hạn. Hay phải giải phẩu vì sinh ra bị tật nguyền hay dị dạng. Còn nếu chỉ vì những yếu tố thẫm mỹ chủ quan thì phải suy nghĩ thận trọng,

– Đừng hỏi ý kiến những bác sĩ mà nghề của họ là giải phẩu thẫm mỹ để làm giàu và chỉ “chuyên môn”… xem thường sức khoẻ thể xác và tinh thần của bệnh nhân,

Thực vậy, một “bệnh nhân” không vừa ý với thân thể “tự nhiên” của mình đã “khó ở” trước khi giải phẩu thẫm mỹ, lại phải, sau giải phẩu, tự định nghĩa mình lại với bộ ngực lạ, cái mũi mới hay hình thù dáng dấp chưa quen. Bản thể tâm lý có thể sẽ khác hoàn toàn và cần được bác sĩ tâm thần theo dõi. Đã có những trường hợp “bệnh nhân” ấy tự tử vì không chấp nhận “cái mới” trên cơ thể mình.

Ngay đến những “can thiệp” nhỏ hơn như nhuộm tóc, đánh phấn, tô móng tay… các bác sĩ da liễu cũng nhắc là cần «điều độ» vì có những hóa chất có thể làm dị ứng hay gây ung thư sau này.

Báo chí và quảng cáo?

Báo chí gần đây hay đưa những hình ảnh các “người của công chúng” hay người nổi tiếng với những mỹ từ làm lung lạc giới trẻ khiến nhiều thiếu nữ lăn vào giải phẩu thẫm mỹ mà quên không lường trước hết các hậu quả hay hiễm nguy. Có thể các báo ấy phải dám thẳng thắng nhìn nhận với độc giả rằng ảnh của người đẹp thường là để “câu” người đọc hầu được nhiều quảng cáo hơn hay để tăng các giá đăng quảng cáo.

Quảng cáo? Trong đó có quảng cáo cho các mỹ phẩm? Bất cứ bác sĩ da liễu nào cũng sẽ nói là những quảng cáo về các kết quả kỳ diệu của mỹ phẩm là những quảng cáo “láo”. Thật vậy, da ta là một hàng rào bảo vệ cẩn mật các “tấn công” từ bên ngoài. Vai trò làm hàng rào cấm không cho bất cứ chất nào thấm vào. Kem dưỡng da, giúp da trẻ mãi không già, chỉ có những hiệu quả phiến diện và nhất thời vì các kem này chỉ tác dụng trên lớp bì bên ngoài bằng cách cho thêm nước, thêm chất nhờn trong 6 đến 12 giờ tối đa.

Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy, đồng thời, sự tự tin ở mình làm cho các phụ nữ dùng mỹ phẩm “đẹp” hơn, một loại kết quả mà y khoa gọi là kết quả placebo – kết quả không có thật.

Các nghiên cứu y khoa cho thấy là nhiều khi, trong các thí nghiệm, những bệnh nhân uống thuốc trong đó chỉ chứa bột mì hay nước sinh lý , cho những hiệu quả gần giống hay giống như uống thuốc thật – hiệu quả “tâm lý” hay hiệu quả “giả”.

Cách nói trên có vẻ khó tin vì đầy rẩy trên báo chí và trên TV, vẫn thường ngày xuất hiện các người đẹp không tuổi bà X hay bà Y, trên 50 hay gần 60 mà da vẫn căng, không một nếp nhăn, môi vẫn mộng tròn… Thật sự thì không mâu thuẫn với cách nói trên nhưng ở đây, phải nhìn nhận là kỹ thuật trang điểm và hóa trang tinh vi đến nỗi “người trần mắt thịt” bị đánh lừa mà không hay! Phải nhìn các “người đẹp” ấy lúc họ vừa ngủ dậy mới biết sắc diện thật của họ!

Tuyệt xảo của trang điểm đưa ta đến một vấn đề khác. Vấn đề giá trị thật và cái giả. Vài người đẹp đã không ngần ngại tuyên bố “đẹp giả còn hơn là xấu thật”. Các tuyên bố như thế hay tương tự thế chứng tỏ là trong văn hóa hiện nay của xã hội ta có cái lẫn lộn giữa thật và giả, giữa đẹp và xấu, giữa văn minh và không văn minh…

Cuối cùng, cho đại đa số quảng đại quần chúng, giáo dục về giới tính phần lớn được bảo đảm bởi các phương tiện truyền thông, bởi các hình ảnh của người nổi tiếng hay phim sex. Những media này thường cho thấy hình ảnh của phụ nữ như một vật thể giới tính. Giới nghệ sĩ nhiều khi cũng lẫn lộn giữa nghệ thuật và sexy.

Kết luận

Xin nhắc lại ở đây câu của một tác giả (Charlotte Brontë? Oscar Wilde?) đầu thế kỷ XIX, đã viết rằng “đẹp là đẹp trong mắt người đối diện”. Thật vậy, trong mắt người tình, bạn gái mình bao giờ cũng đẹp; trong mắt của bà mẹ, các con mình bao giờ cũng xinh… Thế có nghĩa là mỗi một trong chúng ta đều đẹp, ít nhất là trong ánh mắt của ai đó.

Sưu tầm

Theo BẢN TIN SẮC ĐẸP- THẨM MỸ HỒNG KÔNG (www.thammyhongkong.vn)

Để tìm hiểu về tất cả thông tin về xu hướng làm đẹp, sống đẹp, hãy truy cập trang www.thammyhongkong.vn

Thẩm mỹ Hồng Kông- Cơ sở Thẩm mỹ Không Phẫu Thuật Uy Tín Nhất VN

Thẩm mỹ Hồng Kông là cơ sở phun, tạo mẫu thiết kế lông mày, mắt môi bền đẹp, hiện đại nhất Việt Nam với đội ngũ chuyên viên tu nghiệp tại Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Bỉ, Thuỵ Sĩ. Ngoài ra, thẩm mỹ Hồng Kôngcòn cung cấp nhiều dịch vụ làm đẹp khác: giảm béo, trẻ hóa da, tắm trắng… Khách hàng luôn yên tâm về sự an toàn tuyệt đối và có vẻ đẹp tự nhiên hoàn hảo.

Địa chỉ duy nhất 51 Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Số điện thoại: 094.992.5151 – 043.9.233.422
Email: thammyhongkong51hangga@gmail.com
Website: www.thammyhongkong.vn
Fanpage: www.facebook.com/thammyhongkong51hangga

Exit mobile version